Những tính xấu “ngộ nghĩnh” trên blog Việt

Sự nổi tiếng trong giới blog giống như nắm trong tay một thứ quyền lực vô hình khiến không ít người ảo tưởng. Hơn một năm sau khi có mặt ở Việt Nam, cộng đồng Yahoo 360 đã xuất hiện những điểm xấu khó tránh khỏi, nhưng vẫn ở mức “bồng bột và chấp nhận được”.
Mục tiêu 6 con số
Ấn tượng đầu tiên của người đọc về một trang web cá nhân chính là số lượt truy cập. Tuy chỉ mang tính tương đối, pageview thể hiện mức độ phổ biến và khả năng hút khách của blog. Tuy nhiên, thay vì cố gắng chau chuốt giao diện, tìm kiếm chủ đề hấp dẫn, một số người lại cố đạt được tiếng tăm phù phiếm bằng cách cài phần mềm và tấn công từ chối dịch vụ chính blog của mình. Họ chỉ chú ý đến việc làm thế nào để sở hữu pageview 5 – 6 số (trên 100.000) dù vẫn biết rằng nội dung blog của mình không xứng đáng với kết quả đó. “Có người chạy chương trình liên tục một ngày một đêm, kết quả tăng được hơn 450.000 lượt truy cập”, blogger ĐanCha bình luận. “Sáng sáng thức dậy, ngồi vào máy tính và thấy pageview tăng vụt trong khi bạn bè đêm qua ngủ cả mới thấy mình hạnh phúc vì được ‘quan tâm’ ghê”.
Blog PageViews

Blog này xuất hiện vào tháng 6/2006, còn entry đầu tiên được đăng trong tháng 8. Sau 2 tháng, blog đạt 2 triệu pageview. Dù chủ nhân khẳng định không gian lận, nhiều blogger tin rằng người này đã DDoS trang web của mình.

Ngoài lượng truy cập, blogger còn một mục tiêu nữa là số comment (lời bình). Một bài viết (entry) đầy tâm huyết nhưng chẳng ai vào nhận xét cũng đủ khiến “tác giả” cảm thấy cô đơn, hụt hẫng, như cô bé Sleeping Sun đã nói: “Chẳng biết từ bao giờ, một ngày không comment là thấy nhớ, thấy day dứt”. Một số chán không còn hứng thú cập nhật blog nữa, nhưng cũng có người tiếp tục đi vận động qua Yahoo Messenger với khẩu hiệu “không cần chất lượng, chỉ cần số lượng comment”. Tình trạng này làm cho blog dần mất đi mục đích tốt đẹp ban đầu và trở thành công cụ lăng xê bản thân.

“Khoan cắt bê tông”

Đây là hệ quả của cuộc đua tăng pageview “gây dựng thanh thế” nói trên. Blogger lang thang khắp các trang Yahoo 360, cứ thấy web cá nhân của người nổi tiếng là lại add (làm quen) và chỗ nào cũng để lại dấu ấn kiểu “… đã đến đây”, “hiện nay đang diễn ra vụ …, hãy vào blog của tớ để biết thêm chi tiết” hoặc chỉ là một vài smiley (hình thể hiện cảm xúc) chẳng ăn nhập gì với chủ đề mọi người đang thảo luận. Có trang web chỉ trong 3 ngày đã nhận được hơn 10 comment quảng cáo, khiến người ta liên tưởng đến một ngôi nhà xinh đẹp vừa xây xong đã chằng chịt các số điện thoại dịch vụ khoan bê tông.

“Muốn ăn thì lăn vào bếp, muốn mọi người biết đến bạn thì phải chịu khó đi ‘hỏi thăm’ hàng xóm trên Yahoo 360. Nhưng bạn cũng nên dành thời gian lướt qua nội dung chứ đừng ‘dán biển hiệu’ hoặc xả rác lung tung, gây phản cảm cho người khác”, blogger Fancy bất bình.
Ngoài ra, trào lưu “bóc tem” cũng đã không ít lần bị chỉ trích. Đương nhiên không phải mọi comment như thế đều xấu và đôi khi, việc đua nhau trở thành người đầu tiên khám phá bài viết mới cũng mang đến những phút thư giãn nhất định. Điều đáng nói là một số người đã coi trò “bóc tem” là phương pháp lợi hại để tiếp thị vì avatar (hình đại diện) của họ sẽ nằm ngay trên đầu phần bình luận. Họ chẳng quan tâm xem tác giả đang nói đến vấn đề gì, chính bởi vậy mà trở thành vô duyên trong những bài viết nghiêm túc hoặc đầy tâm trạng.

Đạo văn và đạo theme

Web cá nhân cũng giống như một ngôi nhà, mọi đồ đạc trong đó đều thuộc quyền sở hữu của chủ nhân ngôi nhà ấy. Blog “nghèo” hay “giàu”, đồ đạc sơ sài hay phong phú, đều phụ thuộc vào mức đầu tư thời gian và công sức của mỗi người tham gia. Thế nhưng có những người lại ngang nhiên đi chôm chỉa, ăn cắp sản phẩm của người khác, xào xáo thành của mình mà không hề cảm thấy áy náy mỗi khi nhận được lời khen ngợi từ phía bạn bè.

“Đạo entry” không vất vả, không mất công đánh máy lại mà chỉ cần thực hiện thao tác copy – paste đơn giản. Bên cạnh đó, Yahoo 360 cũng được trang bị tính năng sao chép theme nhanh chóng. Khi gặp một blog được thiết kế đẹp mắt, người xem chỉ cần bấm vào đường link “make this theme be mine” (biến theme này thành của mình) và lưu ảnh nền là đã sở hữu toàn bộ giao diện của người kia, bao gồm cả hình ảnh và font chữ.

Ngôn ngữ trên blog

“Từ bao zờ tự zưng mìng trở thành ntn. Lười zao tiếp… ngại tiếp shúc… ngại tham za bất cứ cái zì… lại cái cảm zác của kẻ ngoài cuộc. Đã từ lâu chẳng được nghe câu zì đại loại như ‘tao kúy mày’ hay ‘tao iêu mày’ blah blah blah. Đã từ lâu chả ai khen mìng học được cái zì ….. mỗi cục tiếng Anh cũng shụt đi thậm tệ”.
Blog Slang

Smiley ‘ngập lụt’ một entry được viết bằng ‘ngôn ngữ tuổi teen’.

Kiểu viết như đoạn tâm sự trên trang cá nhân của cô học sinh lớp 11 này không còn hiếm. Thứ ngôn ngữ đó không phải do blog sinh ra mà đã có mặt từ khi các diễn đàn trực tuyến và Yahoo Messenger xuất hiện ở Việt Nam. Nó không chỉ tồn tại trên mạng mà hiện diện cả trong các trang lưu bút, những bức thư tay. Hầu hết những người sử dụng thứ tiếng Việt “méo mó” này là do bắt chước và cảm thấy ngôn ngữ thông thường nghe “nghiêm túc, khô cứng, thiếu tính hài hước và… kém sành điệu”. Điều này khiến học sinh lười suy nghĩ hơn và vốn từ miêu tả của các em ngày càng thu hẹp do tất cả các sắc thái tình cảm đã được bộc lộ qua 69 smiley của Yahoo Messenger cộng với những ký hiệu tự sáng tác như d(*_*)b (đang nghe nhạc), ^_^ (cười duyên)…

Có người nói vào blog chỉ tốn thời gian, nhưng bù lại, những gì họ thu về từ blog cũng không hề nhỏ. Đây là kho kiến thức khổng lồ nhưng sinh động, gần gũi với mô tả rất đời thường chứ không khô cứng kiểu sách vở hay “đao to búa lớn” như trên báo chí. Những mặt trái của blog ít nhiều gây khó chịu cho người đọc, nhưng “hầu hết blogger có tuổi đời còn rất trẻ, suy nghĩ chưa chín và thiếu kinh nghiệm, vì thế mà họ muốn trải nghiệm, khám phá cái mới nhiều hơn qua từng ngày. Có lẽ chúng ta cũng nên có một cái nhìn thoải mái hơn chăng?”, blogger Nhím Xù nhận xét.

Xét cho cùng thì blog bây giờ chỉ là 1 trào lưu giống như tạo Website trước kia, cái gì mà mọi người đang có thì mình cũng muốn bằng được, đấy là một tính xấu cố hữu của dân ta chăng? – Narga

1 thought on “Những tính xấu “ngộ nghĩnh” trên blog Việt”

  1. cô bé là sinh viên kinh tế thì thông minh và sâu sắc không hời hợt như các vị tưởng, nhận xét rất thực tiễn. Sự thật thấy sao nói vậy! có gì sai nào?? chỉ có các vị nói tầm bậy về cô bé thôi, có vị quá cực đoan ! đe doạ có thể qui tội theo hinh sự hiện hành, các bạn quá yếu đuối nên tung ra những ngôn ngữ không văn hoá, còn tệ hơn cô bé sinh viên.

Comments are closed.