Những người phụ nữ được xem là đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc

Lịch sử Trung Quốc trải dài hàng ngàn năm. Từ thời thiết lập các triều đại, nữ giới có vai trò lớn (dù là gián tiếp hay trực tiếp) trong sự hưng thịnh, suy vong của mỗi vương triều. Chúng tôi xin giới thiệu một số gương mặt nữ nhân nổi tiếng ấy.

Nữ hoàng Võ Tắc Thiên đại đế (624 – 705)
Nữ hoàng Võ Tắc Thiên đại đế (624 – 705)

Nữ hoàng Võ Tắc Thiên đại đế 武則天 (624 – 705), cổ vãng kim lai duy chỉ có 1 người này. Võ Tắc Thiên là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cũng có các tiểu nữ hoàng khác từng ngồi trên bảo tọa của hoàng đế, nhưng các quan điểm hiện nay chỉ xem Võ Tắc Thiên là nữ hoàng duy nhất, bởi vì bà lên ngôi hoàng đế bằng chính thực lực của bản thân, không phải là tượng gỗ nghe theo sự điều khiển của kẻ khác

Lạc nhạn Vương Chiêu Quân
Lạc nhạn Vương Chiêu Quân

Thời Hán Nguyên Đế tại vị, nam bắc giao binh, vùng biên giới không được yên ổn. Hán Nguyên Đến vì an phủ Hung Nô phía bắc, tuyển Chiêu Quân 王昭君 kết duyên với thiền vu Hô Hàn Tà để lưỡng quốc bảo trì hoà hảo vĩnh viễn. Trong một ngày thu cao khí sảng, Chiêu Quân cáo biệt cố thổ, đăng trình về phương bắc. Trên đường đi, tiếng ngựa hí chim hót như xé nát tâm can của nàng; cảm giác bi thương thảm thiết khiến tim nàng thổn thức. Nàng ngồi trên xe ngựa gảy đàn, tấu lên khúc biệt ly bi tráng. Nhạn bay về phương nam nghe thấy tiếng đàn, nhìn thấy thiếu nữ mỹ lệ trên xe ngựa, quên cả vỗ cánh và rơi xuống đất. Từ đó, Chiêu Quân được gọi là “Lạc Nhạn”.

Trầm ngư Tây Thi
Trầm ngư Tây Thi

Tây Thi 西施, tên là Thi Di Quang (506 TCN-?) Thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc, Việt quốc có 1 cô gái giặt áo, ngũ quan đoan chính, phấn diện đào hoa, tướng mạo hơn người. Khi cô giặt áo bên bờ sông, bóng cô soi trên mặt nước sông trong suốt làm cô thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy ảnh cô, say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Từ đó,người trong vùng xưng tụng cô là “Trầm Ngư”, người con gái đó đã có công lớn trong việc giúp Phạm Lãi, Văn Chủng và Việt Vương Câu Tiễn diệt vua Ngô Phù Sai.
Sau khi Tây Thi qua đời hay biến mất. Người ta đã dùng Tây Hồ để tưởng nhớ nàng. Tây Hồ còn gọi là Tây Tử Hồ. Vì nhiều người cho rằng nơi đây là nơi vong hồn của nàng vẫn còn tồn tại.

Trác Văn Quân
Trác Văn Quân

Thời ấy, Trác Văn Quân 卓文君 thuộc hàng quốc sắc thiên hương, con của tri huyện Thiểm Tây Trác Bá Lộc. Nàng được gã cho thư sinh Vương Hàm Tân, đỗ tú tài rồi nhưng vẫn tiếp tục việc bút nghiên. Nửa năm hương lửa đang nồng, Hàm Tân bỗng lâm bạo bệnh từ trần. Nửa đời hồng nhan dang dở. Trong suốt thời gian làm tuần, nàng ngồi rũ rượi bên bàn thờ chồng. Bỗng một đêm, văng vẳng từ bên kia sông, tiếng đàn ai oán theo với lời ca não nùng. Tiếng đàn ca đó là của Tư Mã Tương Như vừa gảy đàn vừa hát khúc “Phượng cầu hoàng” (Chim phượng trống tìm chim phượng mái) Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, lấy làm say mê, đương đêm bỏ nhà đi theo chàng. Trác ông tức giận, quyết định từ con. Đôi trai gái đó mở một quán nấu rượu. Vợ chồng cùng cặm cụi làm ăn.

Tiết Đào
Tiết Đào

Tiết Đào 薛濤 (768-831), tự Hồng Độ, người Trường An, là nữ thi nhân thời nhà Đường, người gọi là Nữ Hiệu Thư, từng xướng họa cùng thi nhân nổi tiếng đương thời Nguyên Chẩn, thực lực không thua kém ai.
Khi ở Hoãn Hoa khê, bà chế tạo một thứ giấy hoa thông, và một thứ giấy màu đỏ thẫm có vẽ năm sắc rất đẹp, gọi là Tiết Đào tiên. Lúc vãn niên, ở phường Bích Kê, bà dựng lầu Ngâm Thi. Bà mất năm Thái Hòa thư năm đời Đường Văn Tông, hưởng thọ 65 tuổi.

Thượng Quan Uyển Nhi
Thượng Quan Uyển Nhi

Thượng Quan Uyển Nhi 上官文清 là cháu gái Thượng Quan Nghi, hiệu xưng Cân Quốc Thủ Tướng, là một trong những phụ nữ tài năng nhất của lịch sử Trung Quốc, cũng là một trong những mỹ nữ hứng chịu nhiều điều bi thảm. Ông của Uyển Nhi là Thượng Quan Nghi phò Đường Cao Tông, đã thất bại trong nỗ lực phế truất Võ Tắc Thiên và bị hành hình. Cha của Uyển Nhi cũng bị ép phải tự vẫn. Uyển Nhi và mẹ là Trịnh phu nhân trở thành nô lệ trong cung điện hoàng đế. Cuộc đời của Thượng Quan Uyển Nhi, theo những sử gia Nho giáo, là ví dụ nổi trội cho một hình mẫu phụ nữ tài năng nhưng phóng đãng. Mối quan hệ phức tạp của Thượng Quan Nhân với Võ Tam Tư (người tình), Vi Hậu (đồng minh và tình địch), Trung Tâm (hoàng đế và chồng) có lẽ luôn bị coi là trái luân thường đạo lý, là đầy rẫy âm mưu.

Thái Diễm
Thái Diễm

Thái Diễm 蔡琰 (177–?) hay Sái Diễm, tự là Chiêu Cơ (昭姬), nhưng sau trùng huý với Tư Mã Chiêu (司馬昭) nên người đời sau đổi thành Văn Cơ (文姬, tức Thái Văn Cơ hay Sái Văn Cơ). Bà là một nữ sĩ tài hoa mà bạc phận, là tác giả của Bi phẫn thi (ngũ ngôn), một thi phẩm được coi là một kiệt tác (thể loại thơ tự sự) của văn học Kiến An và của thơ ca cổ điển Trung Quốc. Thái Diễm, người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Cha bà là Thái Ung (132-192), một nhà văn, nhà sử học và làm quan cuối thời Đông Hán. Trong loạn lạc, bà bị quân Đổng Trác (董卓) bắt đi rồi lưu lạc tới Nam Hung Nô (nay thuộc vùng Nội Mông), kết hôn với Tả Hiền Vương (左賢王), sống ở đó mười hai năm và sinh được hai con.

Hoa Nhị Phu Nhân
Hoa Nhị Phu Nhân

Hoa Nhị phu nhân 花蕊夫人 họ Từ 徐, người Thanh Thành 青城, từ nhỏ đã biết làm văn, sau được làm Phí Quý Phi của Hậu Thục chúa là Mạnh Sưởng 孟昶, xuất thân là 1 ca kỹ ở Thanh Thành (nay ở phía Đông Nam thành phố Giang Yển). Tương truyền “Hoa Nhị Phu Nhân Cung Từ” có hơn 100 biến, trong đó thật ra chỉ có hơn 90 biến. Khi Tống diệt Hậu Thục, chỉ dùng có 1 vạn quân, 14 vạn quân Hậu Thục không chiến mà hàng, Hoa Nhị Phu Nhân theo Mạnh Xưởng lưu vong về phương bắc, đêm nghỉ ở Gia Minh dịch trạm, cảm hoài nỗi buồn nước mất nhà tan, đề lên vách quán bài “Thái Tang Tử”. Nhưng vì quân kỵ thôi thúc nên bị mất hết một nửa, cứ viết được 1 chữ lại rơi lệ.

Hoa nhượng Dương Quý Phi
Hoa nhượng Dương Quý Phi

Dương Quý Phi 楊貴妃 (719 – 756) là một cung phi của Đường Minh Hoàng. Bà được xếp vào một trong Tứ đại mĩ nhân của lịch sử Trung Quốc.
Đường Triều Khai Nguyên niên, có một thiếu nữ tên gọi Dương Ngọc Hoàn được tuyển vào cung. Sau khi vào cung, Ngọc Hoàn tư niệm cố hương. Ngày kia, nàng đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn, Nguyệt Quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, lòng không kềm được, buông lời than thở : “Hoa a, hoa a ! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy ?”. Lời chưa dứt lệ đã tuôn rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Nào ngờ, nàng sờ phải là loại Hàm Xú Thảo (cây mắc cỡ). Lúc này, có một cung nga nhìn thấy, người cung nga đó đi đâu cũng nói cho người khác nghe việc ấy. Từ đó, mọi người gọi Dương Ngọc Hoàn là “Hoa Nhượng”

Chân Hoàng Hậu
Chân Hoàng Hậu

Hoài Hoàng hậu (懷皇后) Chân thị (甄氏) (? – 251), còn gọi là Chân Hoàng hậu (甄皇后) là vợ của Ngụy Tề Vương Tào Phương, hoàng đế nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc. Chân thị là người Vô Cấp thuộc quận Trung Sơn nước Ngụy (nay là huyện Định Nguyên thuộc tỉnh Hà Nam). Ông nội của bà là Chân Nghiễm, An Thành Hương Mục Hầu (sau đổi thành Ngụy Xương Mục Hầu), anh trai của Văn Chiêu Hoàng hậu, vợ cả của Ngụy Văn đế Tào Phi. Chân thị qua đời năm 251, thụy hiệu của bà chỉ có một chữ thay vì hai chữ là do chồng bà bị phế năm 254.

Bế nguyệt Điêu Thuyền
Bế nguyệt Điêu Thuyền

Điêu Thuyền 貂蟬 là con nuôi trong nhà Tư đồ Vương Doãn, được Vương Doãn bày kế gả cho cả Đổng Trác và Lã Bố để tùy cơ li gián họ nhằm mục đích lật đổ Đổng Trác. Một mặt nàng tỏ vẻ yêu quí Đổng Trác, nhưng khi đến với Lã Bố thì lại ra sức quyến rũ, khi đến cao trào thì Lã Bố chịu không nổi đả kích giết luôn Đổng Trác vì muốn cướp lấy Điêu Thuyền từ tay Đổng Trác.
Mưu sĩ Lý Nho của Đổng Trác biết trước sự nguy hiểm của Điêu Thuyền, nhưng không sao can thiệp được mà trước đó chỉ biết thốt lên “Bọn ta đều chết cả về tay người đàn bà này“.

Ban Tiệp Dư
Ban Tiệp Dư

Ban tiệp dư 班婕妤 đời Hán Thành Đế 漢成帝, sống khoảng từ năm 48 trước Công nguyên đến năm thứ 2 sau công nguyên. Nàng không rõ tên thật, người Lâu Phiền 樓煩 (thuộc tỉnh Sơn Tây 山西 ngày nay), cha là Ban Huống 班彪. Khi mới vào cung, nàng được Hán Thành Đế sủng ái ban chức tiệp dư (chức cao nhất trong các phi tần), nhưng về sau bị hai chị em Triệu Phi Yến 趙飛燕 và Triệu Hợp Đức 趙合德 tranh giành quyền lực vu oan và bị đuổi ra Thường Tín cung hầu hạ Hoàng thái hậu. Sau khi Thái hậu chết, nàng vẫn phải trông lăng tẩm cho Thái hậu. Thơ của nàng rất nhiều, song hầu hết đã thất lạc, nay chỉ còn các bài 3 bài Tự điệu phú 自悼賦, Đảo tố phú 搗素賦, và Oán ca hành 怨歌行.

Ban Chiêu
Ban Chiêu

Ban Chiêu 班昭 (45-116), tự là Huệ Ban (惠班), được xem là nữ sử gia đầu tiên của Trung Quốc, sinh năm 45 trong một gia đình Nho giáo vào thời Đông Hán, Trung Quốc cách đây hơn 2000 năm. Bà còn gọi là Ban Phi. Bà xuất thân trong một gia tộc nổi tiếng, rất có tài hoa về văn học. Bà là con gái của Ban Bưu (班彪)- là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc thời bấy giờ, em gái của Ban Cố – nhà sử gia nổi tiếng. Bà còn có một người anh nữa là tướng quân Ban Siêu. Ban Chiêu thưởng được mời vào Hoàng cung để dạy kinh sử cho hoàng hậu và các quý nhân trong cung đình. Năm 14 tuổi, Ban Chiêu gả cho Tào Thế Thúc. Vì thế nên trong triều bà còn được gọi là Tào phu nhân (曹大家). Tài khiếu viết văn của Ban Chiêu trước hết thể hiện trong quá trình giúp anh trai tên là Ban Cố viết cuốn “Tiền Hán Thư”, đây là cuốn sử đoạn đại mang thể loại ký truyện đầu tiên của Trung Quốc, có địa vị ngang hàng với cuốn “Sử Ký” của Tư Mã Thiên thời Tây Hán trên lịch sử. Cha của Ban Chiêu là người đầu tiên bắt tay vào việc viết bộ sử này, sau khi cha qua đời, anh trai Ban Chiêu tên là Ban Cố tiếp tục hoàn thành việc này.Tuy nhiên, chẳng được bao lâu sau, đến năm 92 TCN thì Ban Cố bị tống giam và chết, do có can hệ với Đậu Hiến – gia đình Chương Đức hoàng hậu. Hán Hòa Đế cho phép Ban Chiêu được vào Đông Quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn bộ Hán Thư. Những phần do bà soạn, từ tập 13 đến 20 (bát biểu biên niên) và tập 26 (thiên văn chí), được coi là mẫu mực cho nhiều tác phẩm lịch sử về sau. Sau khi bộ “Tiền Hán Thư” cho xuất bản, đã được sự đánh giá rất cao. Chương gay cấn nhất trong “Tiền Hán Thư” là bảng thứ 7 “Bảng bách quan công khanh” và chí thứ 6 “Thiên văn chí”, hai bộ phận này về sau đều do Ban Chiêu hoàn thành. Học thức của Ban Chiêu hết sức tinh túy, để cầu được sự chỉ dẫn của Ban Chiêu, nhà học giả lớn hồi bấy giờ tên là Mã Dung đã phải quỳ ở bên ngoài thư viện đọc sách của Ban Chiêu để lắng nghe bà giảng giải. Trong thời gian này, Ban Chiêu cũng soạn bộ “Nữ giới” gồm 7 thiên. Bà mất năm 116 thời Hán An Đế, thọ 62 tuổi. Một miệng núi lửa trên Sao Kim được đặt theo tên của Ban Chiêu.

Tạ Đạo Uẩn
Tạ Đạo Uẩn

Tạ Đạo Uẩn (謝道蘊) (265-419) là con gái An Tây tướng quân Tạ Dịch đời Tấn. Nàng nổi tiếng thông minh, có nhan sắc tuyệt trần, học rộng, có tài biện luận, giỏi thơ văn. Tạ Đạo Uẩn kết duyên cùng Vương Ngưng Chi cũng là 1 nhà nho lỗi lạc đương thời. Làm vợ Vương, nàng thường thay chồng tiếp khách văn chương, luận bàn thi phú. Nàng là con người hoạt bát, thông suốt nhiều vấn đề, lập luận vững chăc làm nhiều tay danh sĩ đương thời phải thán phục.

Chu Thục Chân
Chu Thục Chân

Chu Thục Chân 朱淑真 là nữ tài nhân nổi tiếng thời Đường, hiệu xưng U Thê Cư Sĩ, được biết là một tài nữ người ở Tiền Đường thời Tống, thi từ đều giỏi, đương thời chỉ có nàng mới xứng tề danh với Lý Thanh Chiếu. Tác phẩm tiêu biểu có “Đoạn Trường Tập” và “Đoạn Trường Từ” được lưu truyền, nổi tiếng nhất là “Điệp Luyến Hoa”.
Chu Thục Chân có cuộc đời khá u sầu. Nguyên nàng có một ý trung nhân lý tưởng, cũng là người tài hoa mà nàng tự quen biết. Nhưng phụ mẫu không cho phép nàng kết hôn với ý trung nhân của mình, mà gả nàng cho 1 thương nhân. Chồng nàng là người chỉ biết kiếm tiền, đối với thi từ và tranh vẽ của nàng đều không có hứng thú, vì vậy mà cuộc sống của nàng lúc nào cũng đầy u sầu và tẻ nhạt.

Lý Sư Sư
Lý Sư Sư

Lý Sư Sư nguyên vốn là Kỹ Nữ ở Lầu Xanh của Vương Dần ở Biện Kinh, lúc mới 3 tuổi cha mẹ đem đến chùa xin đặt tên, vị Lão Tăng xoa đỉnh đầu cô ta, bỗng nhiên cô ta cười lớn. Vị Lão Tăng đó nhận thấy cô ta có nhân duyên với Phật Môn, mà người trong Phật Gia hay được gọi là “Sư” cho nên mới đặt cô ta là Lý Sư Sư. Qua một năm sau, vì cha mẹ bị tội chết trong nhà Ngục. Cô ấy được hàng xóm nuôi đến khôn lớn, càng lớn Lý Sư Sư càng lộ vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn, nước da trắng ngần, khi đó cô được một Ma Ma họ Lý chuyên kinh doanh kỹ viện thu nhận về nuôi, dạy cho Cầm Kỳ Thi Họa, ca múa tiếp khách. Chỉ một thời gian sau Lý Sư Sư đã trở thành một Danh Kỹ nổi tiếng Kinh Thành.

Trần Viên Viên
Trần Viên Viên

Trần Viên Viên 陳園園 (1624-1681) tự Uyển Phân, nguyên họ tên là Hình Nguyên, xuất thân từ một gia đình lao động nghèo ở Vũ Tiến, Hình Châu (nay thuọc tỉnh Giang Tô). Do cha mẹ mất sớm nên theo họ Trần của chồng dì.
Viên Viên đến Tô Châu làm kĩ nữ, và tài năng cùng nhan sắc của nàng đã được rất nhiều người hâm mộ, đương thời gọi là đệ nhất Giang Nam bát diễm.
Cuộc đời của Trần Viên Viên đúng là bi kịch của nhan sắc: hết làm trò chơi cho các danh sĩ và nhà hào phú đất Tô Châu; nàng lần lượt trở thành trò chơi cho Sùng Trinh Hoàng đế, Sấm vương Lý Tự Thành rồi Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Cuộc chiến giữa Ngô Tam Quế và Lý Tự Thành tại Nhất Phiến Thạch làm chết cả vạn người, bị dư luận lịch sử Trung Quốc trút lên đầu của Trần Viên Viên. Chỉ có một người thông cảm với kiếp hồng nhan, đã làm một bài thơ để giãi bày hộ Trần Viên Viên. Đó là danh sĩ Ngô Vĩ Nghiệp[4]với “Viên Viên khúc”…Và với một bút pháp kể chuyện có xen mô tả khá tinh tế, nhà văn Kim Dung đã xây dựng một Trần Viên Viên trở thành đệ nhất đại mỹ nhân trong hàng ngàn nhân vật nữ trong tiểu thuyết của mình. Những “Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Mẫn, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Viên Tử Y, Vương Ngữ Yên”… cũng là những đại mĩ nhân nhưng là đại mĩ nhân ở tuổi 18-20. Họ không thể sánh bằng Trần Viên Viên ở tuổi 40 tươi đẹp, chân tình, trí tuệ, tài hoa và đau khổ!
Cập nhật:

  • 10/05/2010: Trần Viên Viên

2 thoughts on “Những người phụ nữ được xem là đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc”

  1. Trong số này vẫn thích Vương Chiêu Quân nhất, nhớ xem phim cùng tên do diễn viên Dương Mịch đóng, quá xinh so với chuẩn.

Comments are closed.