Thưởng thức cà phê

Do nhiều lý do phải nhịn cà phê một thời gian nhất định đến nay mới tiếp tục được uống lại. Nhân tiện viết đôi dòng về thú uống cà phê hiện nay.

Cà phê sạch

Hiện nay đâu đâu cũng quảng cáo rằng cà phê mình bán là cà phê sạch. Vậy cà phê sạch nghĩa là thế nào, nhiều người không hiểu vì để làm ra cà phê là nó phải được làm sạch sau khi thu hoạch, được lựa chọn cẩn thận mới đem rang, xay thành bột cà phê mà chúng ta vẫn đang uống. Ai cũng quảng cáo là cà phê sạch thì trước đây chúng ta uống cà phê bẩn à?

Bạn đã nghĩ đúng một phần!

Cách đây nhiều năm, khi còn trong thời kỳ bao cấp, việc thưởng thức một ly cà phê thật sự quá xa xỉ. Hơn nữa việc sản xuất ra cà phê để uống cũng gặp rất nhiều khó khăn, nguyên liệu thiếu hụt, chất lượng kém, tâm lý “có gì ăn nấy” khiến cho một số kẻ vô tình nhưng cũng cố ý pha tạp thêm các thành phần khác như bột bắp, bột đậu nành rang cháy, thậm chí là cả hóa chất … để tạo màu, tạo mùi cho cà phê.

Thưởng thức cà phê
Thưởng thức cà phê

Chính vì thế gu thưởng thức cà phê của người Việt dần bị sai lệch và cà phê Việt Nam không còn ngon nữa, nhất là với tầng lớp bình dân, ít có điều kiện tiếp cận và thưởng thức cà phê tinh chất.
Do đó các loại cà phê không tinh chất đã xuất hiện trên thị trường. Bằng cách làm như thế, cà phê Việt Nam tách rời khỏi hành vi tiêu dùng của cà phê thế giới. Và sự tách rời đó đủ lâu để ảnh hưởng tới mức người tiêu dùng Việt Nam không còn thấy cà phê tinh khiết là phù hợp nữa.

Như thế nào là cà phê sạch

Cà phê sạch có thể coi là loại cà phê không pha lẫn tạp chất trong quá trình rang xay, mức độ tẩm ướp hương liệu rất ít hoặc không có, hương liệu tẩm ướp có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải là loại tổng hợp. Ngoài ra nếu như người dùng có thể quan sát toàn bộ quá trình thu hoạch, phân loại, rang, xay thành bột cà phê thì mới thật sự là cà phê sạch.
Tôi xin chia sẻ với bạn một số cách đơn giản để phân biệt nhanh cà phê sạch và cà phê thường:

  • Trước tiên nói về cà phê nguyên liệu: lấy một ít bột cà phê cho vào lòng bàn tay, chao qua chao lại chúng ta sẽ thấy có những hạt óng ánh màu đen, đó chính là những hạt caramen. Những hạt này chính là những hạt tạo màu đen của ly cà phê. Hạt càng nhiều chất lượng càng giảm, tỷ lệ cà phê nguyên chất tỷ lệ nghịch với hạt caramen này. Nói chung theo tôi biết hiện nay cà phê bán ở vỉa hè và các quán thì tỷ lệ cà phê nguyên chất không quá 20%.
  • Tiếp theo là màu sắc và hương vị của cà phê sau khi pha: Một ly cà phê ngon là khi ta chế nước sôi vào phin cà phê, những hạt cà phê đầu tiên thường cho màu đậm, sau đó những giọt sau sẽ nhạt dần. Ngược lại những ly cà phê chất lượng kém thường cho những giọt sau càng lúc càng đen hơn vì lúc này các hạt tạo màu, tức là hạt caramen mới đủ thời gian tan ra. Sau khi pha xong, cà phê có màu đen trong, cho ánh sáng xuyên qua chứ không hoàn toàn đen kịt như loại có chất tạo màu.
    Một ly cà phê ngon sẽ có vị thanh thanh khi uống và cảm giác tê tê cái lưỡi. Nước của ly cà phê nguyên chất có độ sánh hầu như không đáng kể, trái với nước của bột bắp rang hay bột đậu rang, vốn chứa rất nhiều tinh bột, nên rất rất sánh.
    Hương thơm đích thực và nguyên thủy của cà phê không nồng nực, không thô bạo, không mạnh mẽ, nhưng dịu dàng, lưu luyến, thanh cao, tinh tế và sâu lắng, đôi lúc làm ngây ngất người yêu cà phê…
    Bản thân nước pha cà phê khi đánh lên với đường cũng tạo ra 1 ít bọt màu nâu sáng trông rất đẹp. Nhưng có 1 số người tiêu dùng ngộ nhận và yêu cầu quá đáng về ly cà phê phải có bọt đẹp. Để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng hầu giữ khách và thu lợi nhuận một số nhà sản xuất cho chất tẩy rửa bề mặt vào cà phê để tạo bọt. Vậy, bạn cũng cần biết cách phân biệt hai thứ bọt này. Nếu bọt mỏng tanh, có óng ánh màu cầu vồng, đánh lên đầy cả ly và rất lâu tan nhìn ly cà phê có vẻ khá đẹp thì chắc chắn đấy là bọt xà bông. Bọt cà phê tiêu biểu khá đồng đều về kích cỡ, đục hơn và trông “dày” hơn, nhưng mau xẹp xuống.

Cà phê sữa

Cà phê sữa hay còn gọi một cách dân dã là “màu đá hoặc nóng”. Xu hướng hiện nay đa phần mọi người đều uống cà phê với sữa, nó làm dịu vị đắng của cà phê mà không phải ai cũng cảm nhận ngay được vị ngon của cái chất đắng ấy. Thưởng thức cà phê với sữa giúp nó tiếp cận nhiều hơn với người dùng và nếu biết cách pha chế sữa với cà phê bạn sẽ có có một ly cà phê sữa với hương vị ngon và đầy quyến rũ.

Cà phê sữa
Cà phê sữa

Không phải ai cũng biết cách pha sữa với cà phê một cách hợp lý. Hầu hết mọi người đều tự cảm nhận mức độ ngọt của sữa theo sở thích của mình. Điều này cũng đúng nhưng chỉ với một số ít trường hợp. Tỷ lệ cà phê với sữa hợp lý là 6/4 hoặc 7/3 tùy theo từng người. Ngoài sữa ra, với một chút ca cao nguyên chất được pha cùng cũng làm tôn lên hương vị cà phê một cách đáng kể.
Cà phê sữa nếu uống nóng thì có nhược điểm là nó nguội nhanh, một phần là sữa, một phần là uống vào mùa lạnh, nếu làm nóng lại thì sữa sẽ bị cô đặc lại và mất đi hương vị ngon đặc biệt của nó. Vì vậy nên thưởng thức một lượng vừa phải hoặc hâm nóng bằng hơi nước.