Dân ta học sử ta

Kết quả thi tốt nghiệp PTTH năm 2007 cho thấy chất lượng thực về học lực của học sinh đối với các môn học, bệnh thành tích trở nên dễ nhìn hơn bao giờ hết, tôi không đề cập đến các số liệu, những báo cáo …, năm 2006 có phong trào “Dân ta học sử ta” nhằm nâng cao hiểu biết lịch sử nước nhà cũng như khích lệ phong trào học tập khám phá lịch sử hơn 4000 năm dựng nước. Đáng buồn thay, hiệu quả của nó không được như mong muốn, học được bao nhiêu không thấy chỉ thấy tăng số người bị tai nạn khi xem các pano có viết vài dòng về lịch sử nước nhà. Một năm chưa thể thay đổi mức độ hiểu biết lịch sử của nhân dân đặc biệt là trình độ hiểu biết lịch sử của học sinh.
Theo nhận xét chung của giáo viên, đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm 2007 dễ hơn những năm trước, thí sinh chỉ cần trình bày những kiến thức cơ bản, không yêu cầu phân tích, lí giải, một học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được. Nhiều thí sinh trả lời sai kiến thức, sự kiện và khái niệm cơ bản, diễn đạt, hành văn lủng củng, sai từ ngữ, ngữ pháp, sự “nhầm lẫn” và nhận thức lệch lạc về lịch sử. Hiểu biết lệch lạc về sử Việt Nam, kiến thức méo mó về sử Trung Quốc, thế giới đã tạo nên những bài sử bất hủ cười ra nước mắt:

Đến ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã tiến thẳng và bao vây Điện Biên Phủ…

Năm 1946, ở Trung Quốc hình thành hai tầng lớp riêng biệt đó là cách mạng XHCN do Mao Trạch Đông lãnh đạo và dai cấp vô sản do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo…

Vâng dân ta học sử ta là thế đấy thưa bộ trưởng, ngài có ý định gì cho năm tới không?

Chiến dịch Hồ Chí Minh 1970, quân ta tiến vào Him Lan, Bản Kéo, lần lượt giành các đồi A1, C1, D, E… Hai bên chiến đấu giằng co quyết liệt và cuối cùng ta đã giành thắng lợi buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari năm 1972

Cũng câu hỏi về chiến dịch Hồ Chí Minh, có thí sinh trả lời:

…Đêm 30/12, rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ đang say sưa, quân ta tấn công. Tiếng súng đầu tiên nổ lên, kháng chiến bắt đầu. Giặc lúng túng chống trả không kịp, bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc.

Có thí sinh có bài thi nhầm lẫn sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với chiến dịch Điện Biên Phủ:

…Đến ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã tiến thẳng và bao vây Điện Biên Phủ…

Khi nói về tội ác của Mỹ – Diệm, có thí sinh viết:

… Mỹ – Diệm đã đàn áp nhân dân, lôi kéo người dân vào nhà chứa và đưa họ vào con đường nghiện ngập… Mở các lớp học, bắt người dân không học về lịch sử Việt Nam mà phải học về những gì mà các giáo sư Mỹ dạy.

Viết về ý nghĩa lịch sử của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, thí sinh viết:

…Mùa xuân 1974-1975, quân và dân ta không chịu được cảnh đàn áp của thực dân Pháp… Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp, đã nổi dậy đấu tranh năm 1975… nổ ra dòng dã 2 ngày 1 đêm và quân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp… Mùa xuân năm 1975 máu chảy thành sông, người chết thì nhiều. Sau Lê Lợi lên làm vua được vài năm là chết.

Ở câu 1, đề II, phần Lịch sử Việt Nam, khi trình bày tình hình nước ta sau năm 1945, nhiều thí sinh viết:

…Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thành công thì Việt Nam dân chủ cộng hòa gặp khó khăn từ nhiều mặt…
..quân Anh vào Việt Nam với danh nghĩa là giải tán quân Pháp… quân Tưởng tiến vào miền Nam Việt Nam…
…Tưởng là một tên Việt gian bán nước”, “…sau Cách mạng Tháng Tám, các khu công nghiệp bị tàn phá nặng nề….

Ở phần thi Lịch sử Thế giới, sự sai sót cũng rất phổ biến. Trình bày diễn biến cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1946-1949), có thí sinh viết:

…Mở đầu là cuộc binh biến Ba Son. Tại đây công nhân đã nổi dậy đình công, đứng đầu là Ba Son, một liệt sĩ cách mạng. Phong trào bị phát xít Nhật đàn áp dã man. Ba Son đã bị giết hại..

Ngày xưa lớp mình rất hào hứng với môn lịch sử là do cách dạy của thầy sử, không có chuyện đọc chép thụ động, thầy chỉ yêu cầu đọc trước bài học, giờ họp chỉ có thảo luận, sau này tớ mới biết phương pháp này giống như các trường đại học nước ngoài bây giờ; tự luận, thảo luận, … tôn trọng chính kiến của sinh viên, thầy chỉ là người dẫn dắt và đứng ra phân giải, kết luận vấn đề mà thôi…
Tiếc cho nền giáo dục bây giờ, tiếc cho cách biên soạn sách giáo khoa, tiếc cho phương pháp sư phạm bây giờ, nếu không thay đổi cách đào tạo các nhà giáo tương lai tại các trường sư phạm chắc rằng nó sẽ không thể có một nền giáo dục tân tiến theo kịp các nước trên thế giới.
Buồn thay, con mình rồi cũng vần phải học như vậy, tiếc quá