Thơ mạng – cơn sóng thần

Bước đến nhà em, bóng xế tà.
Đứng chờ năm phút bố em ra.
Lơ thơ phía trước vài con chó.
Lác đác đằng sau chiếc chổi chà…

Thông qua các diễn đàn của giới trẻ như Tialia, TTVNOL, Sinh viên du học cho đến những trang nhật ký cá nhân trực tuyến, chỉ cần hoàn thành một vài thao tác, bất cứ ai cũng có thể trình làng thơ của mình.
Giật mình với thơ
Bên cạnh số lượng những bài thơ hay, duyên dáng được các bạn trẻ post lên mạng, điều khiến những người lướt web bất ngờ chính là sự phát triển đến chóng mặt những bài thơ mang nội dung sầu não. Những câu thơ vẫn còn sai chính tả, truyền tải tâm trạng chán nản như “… Ly rượu chát đêm nay mờ nhạt quá/Khúc nhạc buồn đau quắt cả trong tim./Anh lặng lẻ (sai chính tả-nv) đứng bên bờ sàn nhảy/Nhắm mắt nghiền thương nhớ cõi mênh mông…” (thinhvu@…), hay “…Em giờ đây chỉ là chiếc bóng u buồn/ Đứng lặng lẽ bên lối hoa anh bước/ Tuyệt vọng dõi theo bóng anh xa khuất/ Rồi sẽ chìm dần vào bóng tối lãng quên…” (traicali@…) nhan nhản trên các diễn đàn.

Trao đổi qua mạng Internet, khi nhận được câu hỏi vì sao post lên mạng những vần thơ buồn nhiều hơn vui như thế, đa phần, chủ nhân của những bài thơ như thế này luôn có câu trả lời tương tự nhau: “Hỏi thế gian, đời này có gì vui (?!)”. Riêng nick becon_ngocnghech1208@… thì lại trả lời bằng hẳn những câu thơ… lạnh gáy: “Tương tư tàn tạ tình tan tác/ Man mác mênh mông mới mộng mơ/ Đau đớn đẩy đưa đời đơn độc/ Sung sướng say sưa sẽ sững sờ”.
Sau thơ sầu não, thi sĩ mạng liên tục cho ra đời những tác phẩm triết lý, dạy đời vô cùng… trời ơi đất hỡi: “Lấy chồng thì kiêng lấy người già/ Đêm nằm ôm lão, tưởng thây ma” (traicali@…).
Với tính năng không có giới hạn về diện tích của những trang web thì những nhà thơ ảo tha hồ múa bút. Điều đáng buồn là hầu như những câu thơ sầu đời như thế lại có lượng người xem, reply (phát biểu ý kiến) rất đông. Ít nhất cũng có từ 5 đến 10 comment/bài. Mức độ phát tán những bài thơ này cũng từ đó mà tăng theo. Nick badenxinhxinh, một trong những thành viên của trang web Trái tim Việt Nam, rất thích thú với việc đọc và post thơ lên mạng. Cô hồn nhiên nhận xét: “Thơ mạng là thơ… bình dân, từ ngữ, tâm trạng đều gần gũi với tâm trạng của nhiều thành viên!” (?!)
Xào nấu vô tội vạ
Tuy thể hiện một thái độ chán nản một cách tiêu cực với cuộc sống nhưng dẫu sao, thơ sầu não trên mạng vẫn mới dừng lại ở mức độ vô thưởng vô phạt. Rùng rợn hơn cả là việc những “thi sĩ Internet” hiện nay thường xuyên “xào nấu” lại ca dao và những trước tác nổi tiếng: “Đôi ta như thể sòng bài/ Đã quyết thì đánh đừng nài thấp cao” là câu thơ mà nick Dreamlike@ đã hí hửng khoe với mọi người trên Internet.
Qua “tài năng” của những “thi sĩ” mạng, các trước tác của Hồ Xuân Hương, Tản Đà cho đến Xuân Diệu, Huy Cận… đều bị biến dị một cách thảm hại trên mạng. Qua đèo ngang của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan được bóp méo thành:

Bước đến nhà em, bóng xế tà.
Đứng chờ năm phút bố em ra.
Lơ thơ phía trước vài con chó.
Lác đác đằng sau chiếc chổi chà…(Kathie_vu@…)

Dù cho sau những bài thơ chế, cộng đồng dân cư trên mạng không quên mở ngoặc “trân trọng xin lỗi cố tác giả” nhưng việc nhiễu nhại tác phẩm của các thi nhân vẫn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với người đã khuất.
Sau trào lưu viết nhạc theo kiểu “hát nói” của các ca khúc thị trường, thơ bình dân phát triển trên mạng phải chăng là một hệ quả tất yếu? Bằng cảm nhận khách quan, việc sáng tác thơ trên các diễn đàn phát triển mạnh mẽ như hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Điều này chứng tỏ văn chương, thơ ca nói chung vẫn có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần thế hệ trẻ năng động hiện nay.
Tuy nhiên, yêu chuộng và viết nên những bài thơ sầu não, dung tục lại là tín hiệu báo động việc xuống cấp thị hiếu thẩm mỹ đến trầm trọng. Giá như những thi sĩ ảo này được hướng dẫn hay góp ý đúng đắn từ những người quản trị mạng, biết đâu, thế giới Internet của cộng đồng các bạn trẻ Việt Nam sẽ sản sinh ra những nhà thơ thực sự.
Theo báo Người lao động