Cưới xin tùy ”tiện” bút

Theo sách Văn Công Gia Lễ xưa, thì cưới xin có tới sáu lễ chính: Nạp Thái, Vấn Danh, Nạp Cát, Nạp Tệ, Thỉnh Kỳ, Nghinh Hôn. Ngày nay mà theo đủ chừng ấy lễ thì có lẽ con gái Việt Nam ế cả. Trai gái bây giờ “tìm hiểu nhanh, cưa cẩm gọn” nên mấy cái lễ Nạp Thái (nhà trai đến nhà gái hỏi ý) hay Vấn Danh (để biết tên xem tuổi cô dâu chú rể có xung khắc với nhau không) chẳng cần nhờ đến bố mẹ.
Chuyện cưới xin
Họ có thể tự làm ngay trong quán cà phê, ngoài shop thời trang, trên xe buýt, dưới gầm bàn, bên hàng ốc luộc hay giữa mặt báo. Thậm chí họ có thể hỏi nhiều hơn thế dù cách nhau cả nghìn cây số. Và tốc độ có thể chỉ là một cái enter chứ không khề khà ba tuần trà mới được một câu “thưa”, rồi bảy tuần thuốc mới được một lời “dạ” như các cụ. Tùy theo tốc độ đường truyền mà chú rể meomu sẽ tỏ tình với cô dâu caran trong 1 hay 0,5 giây. Công nghệ số rõ ràng là ưu việt hơn sách Tàu cổ. Ngày trước cái sự cưới xin bao giờ cũng phải “lòng vòng” qua ông mai bà mối. “Đẹp như rối, không mối không xong”. Bây giờ chả ai gọi rối là đẹp, chả ai gọi mối là mối. Từ thay thế là “chân gỗ”. Hành động thay thế là “bắn” (có lẽ là ảnh hưởng rớt lại từ thời binh lửa, quen cầm súng hơn cầm điện thoại). Cái nghề mối cũng chuyển dần công nghệ cho mấy mục kết bạn trên báo chí. Lạ là quyền lực thứ tư nhiều khi rất sốt sắng làm cái việc thuộc về “tứ ngu” này. Âu cũng vì ngày trước “nam nữ thụ thụ bất thân” nhiều khi chỉ biết nhau qua mối, lấy nhau rồi mới rõ mặt. Bây giờ “nam nữ thụ thụ sát thân”, mặt ai cũng rõ nên nhiều tơ duyên không thành vì chú rể duy mỹ hoặc cô dâu duy cảm.


Chuyện cưới xinQuay lại chuyện mấy cái lễ. “Gặp thời thế thế thời phải thế” nên đám cưới bây giờ rút gọn từ sáu xuống còn ba lễ. Đó là Chạm Mặt, Ăn Hỏi và Cưới. Ngày Chạm Mặt, sẽ – là – chú – rể đưa bố mẹ mình đến nhà cô – dâu. Thao tác thường thấy sau màn chào hỏi là hai đứa chui tọt vào buồng để mặc cho tứ thân phụ mẫu hỉ hỉ hả hả. Nụ cười thì giống nhau nhưng lý do cười đôi khi khác nhau. Cái sự khác đó được tổng thống ưa hài hước của nước Mỹ Benjamin Franklin gọi là “cưới vợ cho con trai khi bạn muốn, gả con gái khi bạn có thể”. Sau màn hỉ hả là bàn chuyện ăn hỏi: ngày giờ ra sao, mâm tráp thế nào. Ngày xưa, đây nguyên là một cái lễ Nạp Cát. Ngày nay, nó đôi khi chỉ là việc hai nhà thông báo cho nhau những chuyện đã rồi. Nghĩa là nhà trai đã chọn trước ngày giờ cưới hỏi. Còn nhà gái cũng đã tính trước chuyện bao nhiêu tút thuốc, bao nhiêu chai rượu, bao nhiêu su sê, chè gói, mứt sen, phong bì sẽ sánh đôi nhau đi từ cửa nhà trai đến cửa nhà mình. Đồ lễ nào cũng phải có cặp như Hồ Tây chiều nào cũng phải có đôi. Trầu cau thì đương nhiên không thể thiếu. Cheo lễ cống nạp thì đương nhiên là không. Có nhà nào “không bình thường” mới trích tiền “gả” con gái mình để sửa đường cho phường, mua mâm đồng chén bát cho tổ dân phố. Nhưng sự thật là hơn nửa thế kỷ trước, đám cưới nào không nộp cheo – cho làng, cho đình – thì cặp vợ chồng đó coi như sống lén lút. Cheo bây giờ nếu có, chỉ là một bữa bia hơi hay một chầu sinh tố, gọi là khao bạn bè. Còn chuyện “lén lút”, nhiều đôi làm từ khi nhà nghỉ Gia Lâm còn chưa thuộc quận Long Biên.
Chuyện cưới xinThách cưới xong rồi thì nhà gái xoa tay chờ nhà trai mang đồ đến hỏi, nhà trai thì chạy long tóc gáy để mâm tráp hôm ăn hỏi được đàng hoàng, nhà hàng làm tiệc cưới được khang trang. Cô dâu chú rể bắt đầu dắt nhau đi khắp các cửa hàng để ngắm những đồ mình sẽ mua cho ngôi nhà tương lai. Đệm mút hay đệm lò xo? Bàn phấn to hay bàn phấn nhỏ? Rèm kẻ đỏ hay là kẻ nâu? Chăn đệm của Tàu hay của Hàn Quốc. Tivi mua trước hay là mua sau… Thôi thì đủ những đắn đo, tính toán. Nhiều nhân viên cửa hàng bình chân như vại – một phản xạ đã thành quen – khi gặp những anh chồng chị vợ tương lai đứng thần người, toát mồ hôi giữa phòng máy lạnh.
Khổ nỗi là việc của mình, chú rể làm loáng cái là xong, còn mấy việc của cô dâu, cứ ba hôm lại thấy một lần đổi ý. Hôm trước muốn thiếp in kiểu này, hôm sau lại đổi sang kiểu khác. Vừa quyết định chọn kiểu áo cưới quây lại quay ngoắt sang kiểu một dây. Lại còn mất thời gian vào những việc ngô nghê như đi chụp ảnh viện, hay thử kiểu tóc nữa. Một lần không sao. Hai lần không sao. Lần thứ ba thì “tùy em”. Lần thứ tư thì “kệ em”. Lần thứ năm đã thành “mặc (xác/bố) em”. Nhiều anh chàng giai đoạn này phát choáng mỗi lần vợ tương lai gọi điện “anh ơi, hay là…”. Có một anh, đang giữa trận võ Lâm Truyền Kỳ, vừa nghe tiếng “hay là” ấy liền bồi luôn “không cưới nữa”. Công bằng mà nói, đây là thời kỳ bận nhưng mà vui nhất. Đơn giản bởi đó là lúc đôi uyên ương bắt đầu có ý thức thật sự về cái tổ ấm của mình, bắt đầu ở bên nhau nhiều hơn, nói với nhau nhiều chuyện hơn là chỉ có ôm với hôn với cà phê, phim tối. Đơn giản cũng bởi đó là lúc trí tưởng tượng tha hồ bay bổng về một viễn cảnh đẹp đang ở thì tương lai rất gần. Rồi thì tương lai ấy cũng đến. Ngày ăn hỏi, nhà trai đông như hội. Bố chú rể dậy sớm, pha ấm trà đặc, nghĩ lung tung nhưng mặt rất đăm chiêu. Chị chú rể kiểm tra lại buồng cau, xem quả có lành không kẻo nhà gái lại hiểu nhầm. (Dân gian đặt lệ nếu nhà trai đưa sang buồng cau có quả bị cắt, nghĩa là họ ám chỉ cô dâu không còn trinh tiết). Thời buổi bây giờ, có ối chuyện biết rồi mà vẫn cứ phải giả vờ như không biết. Mẹ chú rể cẩn thận xem lại phong bì đựng lễ. Lũ bạn chú rể ngày thường đá bóng cởi trần trùng trục, uống bia mặt đỏ phừng phừng bây giờ anh nào anh nấy áo trắng, cà vạt, tóc tai gọn gàng chuẩn bị bê tráp, hí hửng chờ giao lưu cùng đám chị em đỡ quả bên nhà gái. Nhà gái cũng xốn xang áo xống từ sáng. Giường tủ kê lại. Bánh kẹo bày ra. Bạn cô dâu tụm năm tụm ba trang điểm cho nhau – một kiểu làm đẹp hội đồng rất bán chuyên nghiệp. Điện thoại di động tíu tít. Nội dung đàm thoại cũng chỉ là “đi chưa” với “đến đâu rồi”. Xe nhà trai đến đầu ngõ. Mấy cái miệng hạt bí hạt dưa ngừng làm việc chuyển sang đứng xếp hàng trước cửa để chuẩn bị đỡ tráp. Cô dâu chạy tót vào buồng. Chú rể sẽ vào dẫn cô dâu ra chào hai họ.
Nhưng đó là việc của ba mươi phút nữa, sau khi các cụ ông cụ bà 2 bên đã kịp thở, chú bác 2 bên đã an toạ, sau khi 2 bà mẹ đã kịp kiểm tra tráp quả, sau khi chè đã được rót ra, kẹo bánh đã được bọn trẻ con cái cầm tay, cái bỏ túi, bạn chú rể và bạn cô dâu đã hỏi được tên và số điện thoại của nhau. Nghĩa là sau khi mọi thứ đã đâu vào đấy, việc của cô dâu chú rể chỉ còn là “thủ tục” rót chè, kính cẩn thắp hương bàn thờ gia tiên nhà gái, rồi về chỗ ngồi khép nép kẹp tay vào đùi nghe các cụ bàn chuyện Thỉnh Kỳ.
Xưa Thỉnh Kỳ là lễ định ngày cưới. Ông bà xem ngày cẩn thận, xem trong sách Ngọc Hạp và Thông Thơ, rồi tra lại ngày giờ trong Lịch Bản, chọn được những ngày Nhân Chuyên, Sát Cống và Bất Tương mới làm lễ cưới. Bây giờ việc này đã được giảm nhẹ đi nhiều, miễn là được ngày hợp tính, hợp tuổi, còn giờ thì hễ cứ không phải lúc kẹt xe tắc đường là tốt rồi. Kể cũng lạ là cô dâu chú rể tuổi gì thì các đám cưới cũng chỉ dồn vào một vài ngày trong tháng, cứ như thể mấy ông thầy bói bí mật online với nhau rồi ra nghị quyết chọn ngày vậy. Ngày cưới trước đây thường diễn ra sau lễ ăn hỏi vài ba tháng, thậm chí cả năm. Trong thời gian chờ đợi đó, cứ ngày rằm và mùng một chú rể mùa nào thức ấy đều phải mang quà sang biếu bố mẹ vợ, gọi là sêu. Có nhà gái còn bắt chú rể phải đến ở rể, giúp thêm việc đồng áng, nhà cửa. Có lẽ không phải vì con gái ngày xưa có giá hơn, bố mẹ vợ tham lam hơn, mà là để đôi trai gái có điều kiện tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Bây giờ, lý do đó trẻ con nó cũng không nghe được. Vả lại thời gian là vàng, cưới vợ phải cưới liền tay nên ngày cưới thường chỉ sau lễ ăn hỏi hai tuần là đủ. Lễ đã nhận, ngày giờ cưới đã định, việc ăn hỏi coi như là xong. Cả nhà gái lẫn nhà trai đều hí hửng. Kể từ giờ phút này, cách xưng hô đã có quyền thay đổi: “Bác thành “bố” và “cháu” thành “con”. Chú rể vô tư: “Chào bác, à quên, chào bố con về”. Cô dâu ưu tư nghĩ đến những ngày tới chạy sô đi đưa thiếp. Cái sự đưa thiếp mời của nhà gái nó phiền toái bởi ngoài cái thiếp còn phải có tí quà, quà ngoài chè, mứt sen còn phải có quả cau, cau phải đựng vào cái đĩa, cái đĩa phải để trong cái làn… xách theo. Đến đâu cũng trịnh trọng đặt đĩa, bỏ quà, xoa tay “Tôi cho cháu /bố mẹ em cho em đi ở riêng…”. Riêng là riêng thế nào? Ngày xưa, trước khi làm lễ cưới 10 ngày hai nhà thông gia phải công khai biên tên họ cô dâu chú rể để xem có ai ngăn cản gì không và cũng để chứng tỏ bên trai bên gái đều vẹn toàn tiết hạnh. Bây giờ, điều này nhiều khi không thực hiện được. Lý do là những đám cưới chạy tang, chạy thai, chạy hưu không có nhiều thời gian để rủng rỉnh, cũng chẳng tiện để công khai. Thủ tục pháp lý duy nhất là ra phường mua mẫu đăng ký, cô dâu chú rể mỗi người một tờ, lấy dấu chứng nhận của cơ quan hoặc tổ trưởng tổ dân phố, quay lại phường đem theo hộ khẩu và chứng minh. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sẽ được trao sau đó cũng 10 ngày. Một sự trùng lặp lạ lùng. Nếu quen, hoặc có họ với cán bộ phường, thời gian có thể nhanh hơn.

Chuyện cưới xinThoắt khứ, thoắt lai, ngày cưới đã đến. Bao nhiêu cực nhọc giờ chỉ còn 24 tiếng nữa là thở đánh phào. Mọi việc đã cắt đặt xong, xe đón dâu đã sẵn sàng. “Nhớ đừng quên đôi nhẫn cưới”, mẹ chồng ngoái lại dặn khi con ra cửa chuẩn bị đi xin dâu. Tí nữa khi đoàn nhà trai đi thì bà sẽ quay về, khi đoàn đón dâu về thì bà tránh mặt. Tục nhà mình nó thế. Sự xin dâu là để khẳng định “chúng tôi xin con gái bà về”.
Sự tránh mặt nghĩa là mẹ chồng sẵn sàng chuyển giao việc trong nhà trong cửa cho con dâu, nhưng vẫn giữ quyền điều hành. Vì mẹ chồng xưa vẫn cầm theo bình vôi là vật tượng trưng cho bà Chúa trong nhà. Còn mẹ chồng nay cũng chỉ lánh mặt một tí rồi về ngay, cô con dâu dù bản lĩnh có như Condoleza Rice cũng không dám lớ xớ. Mẹ chồng đi xin dâu về rồi thì đoàn nhà trai bắt đầu lục đục đến. Chú rể ngượng nghịu với bó hoa trên xe. Bạn chú rể vè vè xe máy bên cạnh. Trước đây, nhà trai báo hiệu cho nhà gái bằng một tràng pháo và khi nào nhà gái đáp lại bằng một tràng pháo khác thì 2 họ mới gặp nhau. Bây giờ pháo đã bị cấm, hai nhà thường chào nhau bằng mấy quả pháo hoa Tàu. Bùm một cái, giấy màu bay tả tơi. Khách nhà quê dụi mắt. Trẻ con thành phố chổng mông lên nhặt giấy màu. Ngẩng lên, các bàn đã kín chỗ. Sau kỳ thưa gửi đến tuần lễ bái. Cô dâu chú rể đứng sau lưng bố mẹ vợ trước bàn thờ. Khấn rồi đến vái. Ngày xưa quy định việc vái lạy rất nghiêm. Lạy tổ tiên, lạy bố mẹ, rồi lại phải lạy nhau nữa mới xong phần lễ vu quy. Bây giờ khoản ấy là phụ, trao quà mới là chính. Họ hàng nhà gái ai muốn tặng cô dâu cái gì thì xếp hàng lần lượt. Mẹ vợ trao chiếc trâm cho con cũng là lúc này. Cô dâu cổ dăm bảy dây chuyền, tay ba bốn cái lắc mà mặt cứ mếu máo. “Khóc vừa thôi không chảy hết mascara” phù dâu nhắc khéo. Chú rể nhấp nhổm sợ muộn giờ về làm lễ thành hôn. Tay thợ ảnh với gã quay video kèn cựa nhau chỗ đứng đẹp. Chẳng ai còn tâm trí, thành ra mấy lời dặn dò con dâu con rể toàn là quan khách nghe. Nghe xong bỏ đấy. Có một phong tục đẹp trong lễ vu quy nhưng ngày nay nơi theo nơi bỏ, đó là lên đèn. Trước đây đôi đèn chỉ đứng sau trầu cau trong lễ cưới. Theo nhà văn Sơn Nam, lên đèn là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng bậc nhất. Khi làm lễ gia tiên ở nhà gái, 2 ngọn nến sẽ được mồi lửa từ cái đèn trên bàn thờ (hiểu là lửa hương hoả) rồi được để cạnh nhau. Việc châm lửa và đặt nến phải làm thật khéo sao cho hai ngọn cháy thong dong, đều đặn. Nếu đèn cháy bên cao bên thấp thì sẽ có điềm gở chàng rể sợ vợ, cô dâu sẽ lấn lướt chồng. Khi đèn lên coi như ván đã đóng thuyền, cô dâu có làm gì cũng không lo làng bắt vạ. Phong tục tặng quà cho khách dự đám cưới bốn phương

Rồi cũng đến lúc cô dâu chào bố mẹ để về nhà chồng. Mẹ mẹ con con, buồn buồn tủi tủi. Không khí vui tươi trầm lại tí chút. Ngày xưa, bà với mẹ chú rể lúc về nhà chồng còn khóc nhiều hơn thế. “Nước mắt đàn bà ấy mà”, bố chú rể ghé tai con trai nói nhỏ. Từ giờ phút này, ông chính thức coi nó là thằng đàn ông. Xe chuyển bánh. Tùy theo hợp đồng mà nó sẽ đi thẳng về nhà chú rể làm lẽ thành hôn, xưa gọi là lễ Nghinh Thân, hay còn lượn qua phố phường dạo qua thị trường để chụp ảnh. Lễ thành hôn cũng chừng ấy công đoạn chào hỏi, thưa gửi, đứng lên ngồi xuống, nhưng có khác là sau đó thì cô dâu… không đi về đâu nữa cả. Có chăng là cùng chú rể đi ra nhà hàng mở tiệc. Tiệc cưới thì nói đến mùa sau cũng không hết chuyện, dù chuyện cũng chỉ xoay quanh việc cỗ thừa hay thiếu, các món có ngon hay không, phong bì ai nhiều ai ít, người dẫn chương trình nói ít hay nhiều, khách nào biết điều khách nào quá đáng. Thường là sau buổi tiệc cưới, cô dâu mệt nhoài, vì nhiều người phải dậy từ sáng sớm để đi trang điểm, suốt cả ngày chẳng dám ăn bởi sợ mất son, lại phải cười nhiều đến đau cả cơ miệng.
Chú rể hay lo thì cũng oải vì một ngày làm “sao”. Thành ra đêm tân hôn nhiều đôi thấy rượu hợp cẩn đã phát sợ, nói gì đến chuyện động phòng với trâm cài đầu với giấy thám trinh. Cơm ăn rồi hay chưa ăn thì gạo vẫn còn đó. Thôi, ngủ sớm sáng mai còn lại mặt. Tổ tiên đại xá, thôi thế cũng là xong một trong ba việc lớn ở đời: Dựng vợ gả chồng, xây nhà, lập nghiệp.